Giả sử cuối cùng, Man City của Pep Guardiola không chỉ vô địch mà còn xác lập “hàng chục” kỷ lục mới ở Premier League mùa này, sẽ có những đề tài gì trên mặt báo, ở nền bóng đá số 1 thế giới cả về tính giải trí lẫn nhu cầu tranh luận (nhưng chẳng bao giờ đáng gọi là số 1 về đẳng cấp chuyên môn)?
Sẽ có “96 yếu tố dẫn đến thành công”, để đánh dấu việc xô ngã kỷ lục đạt 95 điểm của Chelsea; 100 cái gạch đầu dòng về một mùa bóng lịch sử, nếu Man City vươn đến con số 100 điểm; hoặc “104 khoảnh khắc để đời”, nếu Man City xô ngã kỷ lục ghi 103 bàn của Chelsea?
Thiên hạ cứ hay mỉa mai cái gọi là “anh hùng bàn phím”, mỗi khi các cây bình luận phân tích, mổ xẻ nguyên nhân thắng/bại của các đội bóng, mà quên mất (hoặc tệ hơn: họ hoàn toàn không hiểu), rằng đấy mới là cái chỗ tuyệt vời nhất làm cho bóng đá trở thành môn thể thao vĩ đại.
Người ta quên rằng, nếu bóng đá là môn thể thao mà giới chuyên môn có thể phân tích rạch ròi mọi chuyện từ trước khi bóng lăn, thì bản thân trò chơi bóng đá đã không còn tồn tại nữa. “Chém gió” ư? Xin được giới thiệu đề tài hiện vẫn chưa “nguội” của The Telegraph – một tờ báo lớn, có uy tín tại Anh: “33 cách lý giải thất bại của Man City trước Liverpool”.
Có đến (và chính xác) 33 nguyên nhân? “Muốn” là 34, thậm chí 100 cũng được. Chẳng qua, con số 33 kia chính là tỷ lệ cược “1 ăn 33” cho cái tỷ số 3-0 tại Anfield. Bạn có thể tiên liệu kết quả của… lô độc đắc, ít ra là nếu không thật chính xác thì cũng hợp lý, đơn giản vì khoa học đã có môn xác suất. Không tin ư? Cứ mua vé số đúng 1 tỷ lần, bạn sẽ trúng độc đắc thật đấy!