Leroy Sane vừa làm được điều mà Cristiano Ronaldo đã làm được cách đây hơn 10 năm (2007), là vừa vô địch Premier League, vừa giành giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất mùa của PFA. Chỉ 1 năm sau, Ronaldo đã có Quả bóng vàng (2008). Liệu đó có thể là con đường mà Sane sẽ đi?
Rất khó, phải khẳng định ngay là như vậy. Bóng đá bây giờ khác với bóng đá của 10 năm trước. Sự thống trị của bộ đôi siêu sao Lionel Messi và Cristiano Ronaldo khiến cho giấc mơ đoạt Quả bóng vàng trở nên quá xa vời với phần còn lại, ngay cả với những cầu thủ đã trở thành siêu sao từ lâu như Neymar. Nhưng so với nhiều cầu thủ giỏi khác, Sane là người may mắn. Bởi anh nổi lên vào thời điểm cả Messi lẫn Ronaldo đều đã bước qua tuổi 30. Họ đang già đi từng ngày, và phong độ sẽ đi xuống. Sane thì còn trẻ, và quan trọng là đang thăng tiến không ngừng.
Ở các đội bóng của Guardiola, luôn có ít nhất một cầu thủ tấn công được giao nhiệm vụ tạo ra sự mất cân bằng trong hệ thống phòng ngự của đối thủ. Các cầu thủ còn lại của đội, nói chung là cả hệ thống, sẽ làm tất cả để những cầu thủ đó có cơ hội chơi một đối một với hậu vệ của đối phương. Ở Barca, người đó là Messi. Ở Bayern là Robben. Thế còn ở Man City là ai? Raheem Sterling? Không phải! Người đó chính là Sane. Trong cách tấn công của Man City, Sane thường là người “treo cánh”. Nghĩa là bất kể Man City đang triển khai bóng ở đâu, anh vẫn giữ vị trí của mình ở sát đường biên, chờ cơ hội tấn công thẳng vào hậu vệ của đối thủ.
Đó là một nhiệm vụ “kỳ lạ”. Nó vừa cho phép một cầu thủ tự do thể hiện những phẩm chất cá nhân của mình. Nhưng lại yêu cầu anh ta phải tuân thủ nghiêm kỷ luật chiến thuật. Nôm na thì như yêu cầu một anh nghệ sỹ ưu phóng túng phải tuân thủ kỷ luật nhà binh. Nếu Sane, ví dụ, sốt ruột và rời khỏi vị trí để tìm bóng, anh có thể khiến đội bóng lỡ cơ hội khai thác khoảng trống ở cánh do anh quản lý. Với Pep Guardiola thì đó là một “tội năng”. Thierry Henry từng bị HLV này “xử đẹp” (thay ra ngay sau giờ nghỉ dù ghi bàn) vì thể hiện sự “vô kỷ luật” kiểu đó khi còn chơi cho Barca.